Dell Technologies hôm 22/3, đã công bố một nghiên cứu mới chỉ ra 81% nhân viên tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ) sẵn sàng làm việc từ xa trong dài hạn nhưng có những quan ngai về hiệu suất
Trong phần mở đầu, Bảng chỉ số khảo sát “Sẵn sàng Làm việc Từ xa” (Remote Work Readiness, viết tắt là RWR) cho thấy cứ 10 nhân viên thì có 8 người (chiếm 81%) tại APJ cho rằng họ đã sẵn sàng để làm việc từ xa dài hạn nhưng đồng thời cũng thể hiện một số quan ngại khi ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân bị xoá nhoà.
Khảo sát hơn 7.000 chuyên gia từ 18 tuổi trở lên tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản, Bảng chỉ số RWR thu thập quan điểm và cảm nghĩ của nhân viên về làm việc từ xa trong dài hạn, cũng như nhu cầu về công nghệ và hỗ trợ liên quan đến nguồn nhân lực đang vai trò quan trọng trong việc triển khai làm việc từ xa hiệu quả.
Ông Jean-Guillaume Pons, Phó Chủ tịch, Nhóm Các Giải pháp cho Khách hàng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản và Trung Quốc đại lục (APJ) của Dell Technologies chia sẻ: “Các sự kiện trong năm 2020 đã hoàn toàn thay đổi cách thức chúng ta làm việc khi yếu tố địa điểm và thời gian không còn mang tính ràng buộc, thay vào đó kết quả sẽ nói lên tất cả. Sắp xếp làm việc từ xa và/hoặc kết hợp cả tại văn phòng và tại nhà đang dần trở thành một hiện thực mới, dẫn đến việc doanh nghiệp trang bị cho nhân viên những công nghệ cần thiết cũng như hỗ trợ liên quan đến nguồn nhân lực trở nên cấp thiết. Bảng chỉ số khảo sát “Sẵn sàng Làm việc Từ xa” trình bày một nền tảng mà chúng tôi có thể giúp các tổ chức tại APJ thấu hiểu nhu cầu của nhân viên để duy trì tính tương tác và hiệu quả trong công việc từ bất kể đâu trong dài hạn”.
Theo nghiên cứu cho thấy, các chủ doanh nghiệp có trách nhiệm phải thấu hiểu được những thách thức các nhân viên đang phải đối mặt và cung cấp những nguồn lực cần thiết để mang lại hiệu quả tốt khi làm việc từ xa trong dài hạn.
Bàn về nỗ lực của doanh nghiệp trong vấn đề cung cấp những nguồn lực công nghệ cần thiết để làm việc từ xa, chỉ một nửa số nhân viên được khảo sát (chiếm 50%) cảm thấy chủ doanh nghiệp thật sự tận tâm. Trong quá trình khảo sát khi giãn cách xã hội diễn ra, các nhân viên được khảo sát chỉ ra vấn đề không ổn định về mạng, bao gồm hạn chế về băng thông (31%), đây là thử thách lớn nhất về công nghệ mà họ gặp phải. Họ cũng gặp khó trong việc truy xuất nguồn tài nguyên nội bộ của công ty (29%) và phải sử dụng trang thiết bị cá nhân để phục vụ cho công việc (28%).
Từ thực tế trên, các nhân viên chia sẻ họ muốn chủ doanh nghiệp cung cấp các dụng cụ hoặc trang thiết bị làm việc (39%) và cần đảm bảo họ có thể truy xuất vào nguồn tài nguyên nội bộ của doanh nghiệp (36%).
Về vấn đề hỗ trợ nguồn nhân lực, các nhân viên được khảo sát ở khu vực APJ chỉ ra rằng thiếu giao tiếp trực tiếp chính là thử thách hàng đầu (41%). Những vấn đề nổi cộm khác còn có các buổi đào tạo và phát triển, bao gồm hướng dẫn sử dụng các công cụ ảo (39%), thiếu các buổi hướng dẫn làm việc từ xa cũng như các chính sách và hướng dẫn không còn phù hợp khi làm việc từ xa (38%).
Để có thể triển khai làm việc từ xa hiệu quả trong dài hạn, các nhân viên được khảo sát mong muốn có các buổi đào tạo và phát triển, bao gồm hướng dẫn sử dụng các công cụ ảo (48%), đào tạo những phương pháp làm việc từ xa hiệu quả (47%) và các sáng kiến liên kết đội nhóm (46%).
“Sự sẵn sàng về công nghệ, khả năng lãnh đạo và một văn hoá vững mạnh là những yếu tố thiết yếu giúp các đội nhóm hoàn thành tốt công việc của họ. Tại Dell Technologies, chúng tôi thấu hiểu những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt và chúng tôi đã và đang trong quá trình hỗ tợ họ tạo ra một môi trường làm việc linh hoạt, di động và bảo mật dựa trên chương trình Connected Workplace. Chúng tôi khuyến khích các chủ doanh nghiệp tham khảo những phương pháp làm việc từ xa hiệu quả nhất và chủ động cải tiến chúng để tạo ra một môi trường làm việc mới”, ông Pons nói thêm.
Về nghiên cứu
Bảng Chỉ số khảo sát “Sẵn sàng Làm việc từ xa” là một nghiên cứu được ủy quyền bởi Dell Technologies để thu thập dữ liệu về khả năng sẵn sàng của lực lượng lao động khi phải làm việc từ xa trong dài hạn từ bảy thị trường tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ), bao gồm Úc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc. Nghiên cứu tập trung vào việc thấu hiểu những yếu tố quan trọng đối với làm việc từ xa; tâm lý sẵn sàng cũng như quan ngại của các nhân viên khi phải làm việc từ xa trong dài hạn, và công nghệ, cũng như hỗ trợ liên quan đến nguồn nhân lực mà họ cần để có thể làm việc hiệu quả từ xa. Nghiên cứu cũng đánh giá nỗ lực của các chủ doanh nghiệp trong việc cung cấp các nguồn lực và chỉ ra những cơ hội của doanh nghiệp khi phải cân nhắc lựa chọn giữa làm việc kết hợp (tại văn phòng và từ xa) hay thích ứng với làm việc từ xa hoàn toàn.