Châu Á Thái Bình Dương, 22 tháng 10 năm 2020, Google chia sẻ thông tin về thực trạng của ngành du lịch khu vực và cách Google hỗ trợ khách du lịch cũng như doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó, Google cũng cung cấp cái nhìn tổng quan về triển vọng du lịch ở khu vực, chỉ ra các nhóm nhu cầu mới nổi và chia sẻ các ưu tiên chính của khách du lịch.

Khi các chuyến du lịch quốc tế bị trì hoãn do dịch Covid-19, ngành du lịch buộc phải lùi về phía sau, chờ cho đến khi cơn khủng hoảng qua đi. Các chuyến bay và biên giới bị đóng cửa, các hãng hàng không, đại lý du lịch và các đơn vị tổ chức sự kiện MICE – hội họp, hội nghị, ưu đãi và triển lãm – đều thấp thỏm theo dõi các quy định du lịch, cũng như thay đổi sự ưu tiên, đặt sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng lên hàng đầu. 

Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương bắt đầu nới lỏng dần các hạn chế đối với việc di chuyển, Google tiến hành tìm hiểu nhu cầu du lịch đang có dấu hiệu phục hồi như thế nào trên toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Nhu cầu du lịch tăng trở lại sau thời gian dài bị dồn nén do các quy định hạn chế dịch chuyển.

Trong các cuộc khảo sát người tiêu dùng gần đây, cứ một trong hai người ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương được hỏi cho biết họ đang muốn hoặc rất muốn đi du lịch. Kết quả từ những nghiên cứu này khá giống với thống kê về xu hướng tìm kiếm du lịch tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chỉ trong ba tháng, nhu cầu tìm kiếm về du lịch đã phục hồi khoảng 50% so với mức trước COVID-19.

Những dấu hiệu tích cực này cho thấy mọi người đang rất quan tâm về những chuyến du lịch trong tương lai và đang tìm kiếm thông tin về cách thức, cũng như thời điểm họ có thể khởi hành tuy vẫn lưu tâm về tình trạng sức khỏe. Điều đó có nghĩa khi các quốc gia bắt đầu mở cửa, mọi người sẽ háo hức dịch chuyển và các doanh nghiệp du lịch nên sẵn sàng đáp ứng những khách hàng tiềm năng này bằng những thông tin hữu ích cho kế hoạch du lịch của họ. 

Tại Việt Nam, nhu cầu du lịch nội địa bắt đầu dần hồi phục sau khi vượt qua các mối lo ngại ban đầu về COVID-19.

Xu hướng tìm kiếm địa điểm du lịch biển của du khách Việt trong tháng 7 tăng gấp 5 lần so với tháng 3/2020.

Bên cạnh nhu cầu dịch chuyển thiết yếu đến các thành phố lớn như thường lệ, theo thống kê của chúng tôi, du khách Việt Nam cũng đang có xu hướng chọn du lịch về với thiên nhiên và các vùng biển như Phú Quốc và Đà Lạt cho những kỳ nghỉ cuối năm của mình. Du khách Việt cũng đang chuyển hướng từ các tour du lịch trọn gói sang các hoạt động khám phá. Nhu cầu du lịch “phượt” tự túc phục hồi nhanh hơn các tour du lịch trọn gói tại Việt Nam, tăng gấp 2 lần so với trước COVID.

Địa điểm du lịch miền núi như Đỉnh Fansipan đang trở thành thắng cảnh địa phương hàng đầu, bên cạnh Bà Nà Hills. Ngoài ra, địa đạo Củ Chi, Vịnh Hạ Long vẫn là các điểm thu hút du lịch với du khách Việt hậu COVID.

Chiến lược mới: Phân khúc mới nhằm đáp ứng những nhu cầu mới

Không có phương pháp tiếp cận nào có thể phù hợp cho tất cả các nhà tiếp thị đang tìm cách phục hồi niềm đam mê du lịch của khách hàng. Thay vào đó, mỗi thị trường đòi hỏi một lộ trình riêng, đảm bảo phù hợp với các quy định, hạn chế và tâm lý thay đổi của khách du lịch.

Google đưa ra ba gợi ý chính giúp các công ty lên kế hoạch cho việc phục hồi du lịch trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và dẫn dắt trong hành trình kết nối và tương tác với đối tượng khách hàng du lịch mới của mình.

1.Đáp ứng mối quan tâm thời đại số: Khách hàng khát thông tin hữu ích trên trực tuyến.

Trong khi sự hào hứng về những chuyến du lịch tiềm năng ngày một tăng, cuộc khảo sát của chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng khách hàng đang chuyển sang các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agents) để lên các kế hoạch du lịch. Theo khảo sát của chúng tôi, 6 trong số 10 người tiêu dùng ở Trung Quốc hiện có kế hoạch đặt chỗ thường xuyên hơn với các đại lý du lịch trực tuyến so với trước COVID-19. Con số này hiện đã gấp đôi tốc độ tăng trưởng của các kênh trực tiếp, chẳng hạn như các ứng dụng hoặc trang web của hãng hàng không và khách sạn.

Điều này một phần là do các đại lý du lịch trực tuyến đang nhanh chóng cải thiện sự hiện diện trực tuyến của mình để thích ứng với nhu cầu mới của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tất cả các công ty du lịch đều có thể nắm bắt sự tăng trưởng này bằng cách cung cấp các dịch vụ hữu ích, chẳng hạn như truyền tải thông tin an toàn và thông tin di chuyển trên các kênh thuộc sở hữu của họ, cung cấp các ưu đãi đặt phòng linh hoạt và đảm bảo giá cho những du khách muốn đặt phòng sớm, đẩy mạnh tương tác và thực hiện các hoạt động tiếp thị sáng tạo như các chương trình trực tuyến để đảm bảo thương hiệu của bạn luôn được nghĩ đến đầu tiên.

Mẹo nhỏ: Ngoài việc cung cấp các lượt đặt chỗ linh hoạt và thông tin có liên quan, đừng lãng phí bất kỳ cơ hội nào để thu hút lại những khách hàng đã tương tác với bạn trước đây. Cho những khách hàng này thấy lý do vì sao họ nên nghĩ đến bạn cho lần chi tiêu du lịch tiếp theo của họ – bằng cách cung cấp các dịch vụ đúng thời điểm và được cá nhân hóa.

2.Thích nghi phù hợp với COVID: An toàn trở thành thương hiệu mới, nhưng nhận thức về an toàn khác nhau theo quốc gia

Theo khảo sát người tiêu dùng của Google, khách du lịch xếp mức độ sạch sẽ và vệ sinh là một trong ba yếu tố cân nhắc hàng đầu của họ, đi kèm với danh tiếng thương hiệu du lịch hoặc các chương trình ưu đãi khách hàng thân thiết. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, khái niệm “an toàn” thường có sự khác nhau giữa các quốc gia, điều này ảnh hưởng đến lựa chọn đặt phòng của người tiêu dùng ở mỗi thị trường.

Những cân nhắc khi đặt phòng của khách du lịch Châu Á

Một dẫn chứng trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ở Trung Quốc, sau giai đoạn COVID-19, 40% khách hàng thích ở khách sạn, trong khi đó chỉ có 9% người lựa chọn thuê nhà lưu trú. Tuy nhiên, xu hướng trái ngược lại được ghi nhận tại New Zealand, nơi các lượt đặt phòng nội địa trên Airbnb phục hồi nhanh hơn mức trước COVID-19 so với khách sạn.

Tại Việt Nam, yếu tố hàng đầu đối với du khách Việt khi quyết định lựa chọn các dịch vụ du lịch là uy tín thương hiệu. 

Điều này đồng nghĩa rằng các công ty du lịch sẽ cần phải sâu sát hơn so với việc chỉ xem xét những mối bận tâm chung của người tiêu dùng, nhằm nắm bắt những yếu tố mà khách hàng quan tâm khi đặt phòng và điều chỉnh cách tiếp cận với họ. 

Mẹo nhỏ: Hiểu được dữ liệu sẽ giúp các công ty du lịch bắt kịp với sự thay đổi tâm lý và sở thích của khách du lịch. Các nhà tiếp thị cần thiết lập cơ sở hạ tầng phân tích dữ liệu tốt hơn, vận dụng các dữ liệu này trong các hoạt động tiếp thị hoặc có thể tạo ra  chiến lược kinh doanh.

3.Phương thức kinh doanh mới: Sự cần thiết của việc tái kích cầu du lịch MICE

Mặc dù sự hào hứng đối với du lịch giải trí đang dần trở lại, chúng tôi nhận thấy một số tình trạng bất ổn trong nhu cầu đi công tác, đặc biệt là trong phân khúc MICE- là một trong những phân khúc quan trọng đối với các doanh nghiệp du lịch trong khu vực, đây là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành cùng nhau thể hiện vai trò chủ chốt trong việc chuyển dịch tâm lý người tiêu dùng theo chiều hướng tích cực.

Xây dựng niềm tin cho khách hàng là chìa khóa để khơi dậy nhu cầu đối với phân khúc MICE. Một số doanh nghiệp, lấy ví dụ như khách sạn như Marriott International ở Trung Quốc đã bắt đầu giới thiệu các quy trình vệ sinh nâng cao cho các hội nghị kinh doanh để khuyến khích đặt chỗ. Chúng tôi cũng thấy được các chính phủ đóng vai trò tích cực trong việc nỗ lực kích cầu, chẳng hạn như chính phủ Singapore gần đây đang thí điểm sáng kiến cấp phép trở lại cho các sự kiện tối đa 250 người tham dự bắt đầu từ tháng 10.

Mẹo nhỏ: Trước tâm lý bất ổn của du khách công tác, các công ty du lịch nên tích cực tạo thiện cảm bằng cách nêu bật các biện pháp an toàn như thực hiện nguyên tắc cách ly xã hội đối với các sự kiện MICE.

Lộ trình hồi phục du lịch gợi ý cho các nhà tiếp thị:

  • Các xu hướng du lịch mới nhất có thể thay đổi sau một đêm, vì vậy hãy luôn trong trạng thái chuẩn bị: Xu hướng và hành vi của người tiêu dùng sẽ phản ứng nhanh chóng với những thay đổi về quy định từ chính phủ và theo quan sát của chúng tôi, điều này đang diễn ra trên toàn cầu.
  • Tận dụng dữ liệu và  đặt khách hàng làm trung tâm khi đưa ra thông điệp của mình: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng dữ liệu để hiểu được tâm tư thay đổi liên tục của du khách, nhằm tạo ra thông điệp phù hợp và trải nghiệm cá nhân hóa – cho cả đối tượng du lịch trực tuyến cũng như các sự kiện MICE.
  • Nhấn mạnh yếu tố an toàn như một phần cốt lõi trong định vị giá trị thương hiệu của bạn: Tạo niềm tin cho người tiêu dùng bằng cách truyền tải yếu tố vệ sinh và an toàn trong thông điệp thương hiệu và như một cách để tạo sự khác biệt cho sản phẩm của bạn.

Trong bối cảnh bất ổn của dịch COVID-19, các thông tin an toàn và chính sách về du lịch có thể thay đổi chỉ trong một đêm, câu hỏi đầu tiên của mọi du khách luôn là: “Địa điểm du lịch nào an toàn?” Do đó, để có thể trở nên hữu ích hơn và trả lời được những mối quan tâm của du khách, chúng tôi đã thực hiện một số thay đổi trong trải nghiệm sản phẩm của các trang tìm kiếm du lịch của mình. Chúng tôi đã đưa thông tin khuyến nghị xuất hiện không chỉ ở đầu trang google.com/travel mà còn trong Google Maps. Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp các thông báo cảnh báo về những trạm kiểm tra COVID và các hạn chế. 

Theo nghiên cứu mà chúng tôi đã chia sẻ, chính sách đặt chỗ linh hoạt cũng là yếu tố được du khách quan tâm hàng đầu, có ảnh hướng lớn đến quyết định chi tiêu du lịch trong thời điểm hiện tại, bên cạnh giá cả và đảm bảo an toàn. Do đó, chúng tôi đã thêm vào một bộ lọc trên trang tìm kiếm thông tin du lịch. Du khách có thể lọc xem những đơn vị có chính sách hủy miễn phí hoặc so sánh thời hạn cho phép hủy giữa các đơn vị với nhau để lên lịch trình phù hợp cho chuyến du lịch của mình.