OneWeb đã dự tính sẽ đưa 650 vệ tinh lên quỹ đạo trái đất để có thể phủ sóng internet tốc độ cao đến mọi nơi trên thế giới, tuy nhiên công ty này chỉ có thể phóng 74 vệ tinh trước khi cạn kiệt nguồn vốn của mình, một báo cáo mới nhất cho hay. 

Tương lai của dự án phủ internet khắp hành tinh “Satellites Internet” ngày càng ảm đạm khi OneWeb – theo tạp chí tài chính Financial Times – đang chuẩn bị nộp đơn xin bảo vệ phá sản và sẽ sa thải hầu hết 500 nhân viên của mình. Cũng theo báo cáo này, OneWeb đã chuẩn bị nộp đơn xin phá sản sau khi không đảm bảo sẽ nhận được khoản tài trợ mới trị giá 2 tỷ đô la Mỹ từ tập đoàn Softbank – Nhật Bản, đây là nhà đầu tư lớn nhất của OneWeb.

Hiện tại OneWeb từ chối phản hồi câu hỏi về chuyện này của tờ WIRED, cũng từ chiều thứ 6 tuần trước đến nay OneWeb chưa đưa ra bất cứ thông tin nào về việc phá sản trong các thông cáo báo chí hay các kênh truyền thông.

Được thành lập vào năm 2012 bởi doanh nhân công nghệ Greg Wyler, OneWeb là một trong số ít các công ty bao gồm SpaceX và Amazon, tham gia vào cuộc đua nhằm xây dựng một hệ thống “chòm sao khổng lồ” – hệ thống này bao gồm hàng trăm vệ tinh internet được phóng lên quỹ đạo trái đất, nhằm mục đích phủ sóng internet tốc độ cao đến mọi nơi trên trái đất.

OneWeb đã lên kế hoạch sẽ điều hành một mạng lưới khổng lồ gồm 650 vệ tinh, cung cấp dịch vụ internet tốc độ cao đến mọi nơi trên trái đất và đã huy động được gần 3,5 tỷ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư như Virgin Group, Qualcomm và Airbus.

Công ty này đã lên kế hoạch bắt đầu cung cấp dịch vụ internet vệ tinh vào cuối năm nay, tuy nhiên trái đất lại có kế hoạch khác. Đại dịch do virus Corona (hay còn có tên Covid-19) gây ra và sự hỗn loạn thị trường đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc đàm phán giữa OneWeb và Softbank nhằm đổi lấy 2 tỷ đô la tài trợ, một người liên quan đến chuyện này đã nói với tờ WIRED.

Janice Starzyk – phó chủ tịch của công ty phân tích Bryce Space and Technology về vấn đề thương mại không gian đã chia sẻ: “Đầu tư mạo hiểm luôn là trò chơi có rủi ro cao”. “Thời điểm hiện tại, rất nhiều công ty tài chính sẽ tập trung vào các khoản đầu được ưu tiên cao nhất, và rõ ràng vấn đề của OneWeb phải là một trong số những ưu tiên mà Softbank lựa chọn”.

Tin tức về việc OneWeb nộp đơn xin phá sản đến chỉ chưa đầy một tuần sau khi công ty này công bố đã đưa  thêm 34 vệ tinh lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Arianespace từ bãi phóng Baikonur Cosmodrome ở Kazakhstan. Đây là lần phóng vệ tinh thứ hai trong năm nay và nâng tổng số vệ tinh đã phóng của OneWeb lên con số 74. Vẫn còn quá sớm để nói về những gì sẽ trở thành tài sản của OneWeb một khi công ty này chính thức thành công trong việc xin bảo vệ phá sản, một người quen thuộc với các thủ tục tố tụng nói với tờ WIRED. OneWeb sẽ giữ lại vừa đủ nhân viên để điều hành những vệ tinh đã được phóng nhưng hầu hết trong số 500 nhân viên sẽ bị sa thải.

Còn về phần các vệ tinh, chúng chưa được đưa vào quỹ đạo hoàn chỉnh để có thể cung cấp dịch vụ internet toàn cầu hay thậm chí ở mức độ khu vực. Vẫn chưa rõ liệu chúng sẽ được tiếp tục duy trì trên quỹ đạo để cung cấp dịch vụ internet hạn chế hay sẽ bị đưa ra khỏi quỹ đạo và bị huỷ bỏ.

OneWeb không phải là công ty đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi vấn đề kinh tế trước tham vọng phủ internet vệ tinh tốc độ cao của mình. Dễ thấy là việc xây dựng hệ thống vệ tinh internet cực kì tốn kém và đắt đỏ, đặc biệt là khi số lượng vệ tinh phải phóng lên quỹ đạo từ hàng trăm đến hàng ngàn cái.

Trong thập niên 1990, nhiều công ty đã cố phủ internet khắp trái đất bằng vệ tinh trước khi phá sản. Tiêu biểu là Teledesic – một công ty được hậu thuẫn bởi Bill Gates, đã muốn phủ internet băng thông rộng từ quỹ đạo, đã nộp đơn xin phá sản vào năm 2002 sau khi chỉ phóng được một vệ tinh duy nhất.

Iridium – một công ty đã triển khai một hệ thống gồm 66 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, cung cấp các dịch vụ di động toàn cầu, nhưng cũng đã nộp đơn xin phá sản vào năm 1999 sau khi không thu hút được doanh nghiệp đầu tư thêm cho công việc kinh doanh của mình.

“Việc đầu tư hệ thống vệ tinh internet là cực kì tốn kém, đòi hỏi các nhà đầu tư phải cực kì kiên nhẫn vì lợi nhuận sẽ không đến ngay lập tức” Matt Desh, CEO của Iridium chia sẻ. “Thật không may mắn cho OneWeb khi các nhà đầu tư của họ đã không đủ kiên nhẫn” – ông nói thêm.

Sau khi phá sản, Iridium đã được mua lại một phần nhỏ trong số tiền phải trả trong quá trình xây dựng hệ thống vệ tinh, và đã được cải tổ lại thành một doanh nghiệp có lợi nhuận trong việc cung cấp dịch vụ liên lạc và truyền dữ liệu giữa các thiết bị sử dụng internet. Nhưng ông Desk cho rằng điều khó có thể xảy ra với OneWeb bởi công ty này mới chỉ hoàn thành khoảng 10% trong tổng dự án vệ tinh của mình.

Starzyk cũng nói rằng rất khó để hai đối thủ còn lại của OneWeb – SpaceX và Amazon, kiếm đủ số khách hàng để có thể phát sinh lợi nhuận từ internet vệ tinh tốc độ cao. Nỗi ham muốn về băng thông internet là không bao giờ đủ, nhưng không phải như vậy với việc chi trả chi phí đắt đỏ cho việc này.

Trong phát biểu của mình tại một hội nghị ngành vệ tinh vào tháng trước, ngay cả Elon Musk – CEO của SpaceX cũng phải thừa nhận tính thách thức về hiệu quả kinh tế đối với dự án internet vệ tinh Starlink của công ty. Ông đã hỏi những người tham dự bên dưới “Quý vị thử đoán xem có bao nhiêu dự án internet vệ tinh không đi đến con đường phá sản ?”, ông nói tiếp “Con số không tròn trĩnh, đó là một bước tiến lớn để trở thành công ty internet vệ tinh đầu tiên không phải phá sản”.

 

Nguồn: WIRED