JBL Go 2 được ra mắt năm 2018 và vẫn là model mới nhất của dòng Go. Chưa có tin tức gì về thế hệ kế nhiệm (Go 3) hoặc có lẽ JBL đã âm thầm khai tử dòng này và thay thế bởi series JBL Clip vốn có thiết kế hoàn toàn khác.
Thế hệ tiếp theo của dòng Go được hi vọng sẽ được JBL ra mắt ở hội chợ công nghệ CES 2020 thường niên, đáng tiếc do ảnh hưởng của COVID-19 nên sự kiện đã bị hoãn, người dùng phải đợi thêm thông tin từ phía JBL để có thể xác nhận sự tồn tại của Go 3.
Tại thời điểm ra mắt năm 2018, JBL Go 2 có giá bán chính hãng 850 ngàn đồng, hiện nay mức giá đã tốt hơn nhiều khi chỉ còn khoảng 650-750 ngàn đồng tại các hệ thống phân phối chính hãng, hàng xách tay còn có giá tốt hơn nữa.
So với phiên bản tiền nhiệm, Go 2 được JBL ưu ái mang đến 12 tuỳ chọn màu sắc khác nhau như xanh da trời, cam coral, đỏ, đen, trắng…, chiếc GO 2 trong bài có màu xanh Navy rất đẹp.
Go 2 được JBL nâng cấp dung lượng pin ở mức 730 mAh (so với 600 mAh ở Go 1), tuy nhiên hãng vẫn công bố thời gian nghe nhạc của 2 thiết bị là bằng nhau – 5 tiếng ở mức âm lượng 50%. Thực tế sử dụng Go 2 cho thời gian chơi nhạc tầm 3-4h ở mức âm thanh 70-80%, sẽ còn lâu hơn nếu giảm mức âm thanh ở mức 50-60%.
JBL Go 2 có thiết kế nhỏ gọn, có thể cầm gọn gàng trong lòng bàn tay, phù hợp để mang đi mọi nơi, ít chiếm diện tích và khối lượng nhẹ. Loacó kích thước chỉ 71.2 x 86.0 x 31.6 (mm) và nặng 184 gram.
Go 2 được trang bị khả năng kết nối qua jack cắm 3.5mm hoặc Bluetooth 4.1 cho khả năng kết nối ổn định trong khoảng cách 10m và kết nối 2 thiết bị cùng lúc.
Nâng cấp nổi bật nhất ở Go 2 so với người tiền nhiệm chính là việc đã được JBL trang bị khả năng chống nước IPX7, tức là tương đương với iPhone 7. Tính năng này giúp loa có thể được sử dụng ở nhiều nơi hơn, điều kiện môi trường hơn, phù hợp với khả năng di động của dòng Go.
Tuy nhiên điểm trừ đáng tiếc là ở phiên bản này, JBL đã loại bỏ khả năng móc thêm dây treo cho thiết bị mà ở Go 1 đã có. Thay đổi này hơi khó hiểu vì bạn không thể móc loa vào balo hay túi xách, hoặc nếu muốn sẽ phải tự chế hoặc gắn thêm case bảo vệ, khá kì quặc.
Go 2 có thiết kế tối giản, khó tìm được chi tiết thừa ở thiết bị này, âm thanh khởi động truyền thống của JBL cũng sẽ vang lên khi bật/tắt thiết bị hoặc khi kết nối bluetooth với nguồn phát.
JBL Go 2 cũng khả năng dùng làm loa thoại, nếu điện thoại đang kết nối có cuộc gọi đến, lưu ý là chiếc loa này không có micro đàm thoại.
Về chất âm, không thể mong đợi nhiều ở một chiếc loa nhỏ gọn có công suất 3.1W như Go 2, thêm nữa do thiết kế nên Go 2 chỉ có thể phát âm thanh về phía trước (sound forward). Chiếc loa này trình diễn âm thanh hay nhất ở mức âm lượng 50%, càng tăng âm lượng bạn sẽ cảm thấy rất chói tai (đặc biệt ở mức trên 85-90%).
Âm bass trên Go 2 rất yếu nếu không muốn nói là gần như không có (ở mức âm lượng cao), bass mỏng và khá nông. Như đã nói ở trên phần âm cao & trung (treble & mid) khá nhiều và lấn dải bass nhiều, điều này có thể mang lại ý kiến trái chiều khác nhau.
Cá nhân người viết bài nhận thấy điểm này rất phù hợp với mục đích sử dụng của chiếc loa này, là sử dụng ở môi trường bên ngoài khi các bạn đi chơi, leo núi hay đi phượt… chỉ cần ở mức âm lượng 70-80% người nghe vẫn có thể nghe tốt âm thanh bài hát đang phát ra, khi mà tiếng bass rất khó để cảm nhận và cần nhiều thứ để có thể giữ được bass tốt trong khi vẫn duy trì kích thước nhỏ gọn như vậy.
Tóm lại JBL Go 2 phù hợp với mục đích mang theo di chuyển, đảm bảo một chiếc loa có thiết kế đẹp, nhỏ gọn, không kiếm diện tích trong hành lý, không quan tâm quá nhiều đến chất lượng âm thanh (chống chỉ định với các basshead) và cũng phù hợp với không gian nhỏ.
Sẽ tuyệt vời hơn nếu chiếc loa này được trang bị chỗ để gắn móc treo, micro thoại và hỗ trợ chuẩn phát âm thanh chất lượng cao aptx hay, hi vọng thế hệ tiếp theo sẽ cải tiến những điểm này và trang bị cổng sạc USB Type C thay vì Micro USB như hiện nay.