Xiaomi: Doanh số bán hàng phục hồi sau dịch, doanh thu tăng trưởng 13,6% trong Quý 1/2020
Các phân khúc đều tăng trưởng bất chấp suy thoái chung của thị trường, doanh số bán hàng phục hồi nhanh chóng sau đại dịch
Tập đoàn Xiaomi hôm nay công bố kết quả kinh doanh hợp nhất chưa qua kiểm toán trong 3 tháng đầu năm, tính đến ngày 31 tháng 3 năm 2020.
Trong Qúy I/2020, Xiaomi đạt được mức tăng trưởng ấn tượng ở tất cả các mảng kinh doanh. Tổng doanh thu Qúy I/2020 ước tính lên đến 49.7 tỷ RMB, tương ứng 13.6% doanh thu cả năm. Lợi nhuận ròng được điều chỉnh là 2.3 tỷ RM, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys, Xiaomi đã điều hướng kinh doanh thành công trong bối cảnh thị trường suy thoái, cũng như ước đoán mức tăng trưởng này dẫn đầu top 5 hãng smartphone lớn nhất toàn cầu. Tại Trung Quốc, Xiaomi đã chiếm 25,9% thị phần smartphone 5G, vượt xa mức trung bình của cả ngành. Điều này thể hiện vị thế dẫn đầu trên thị trường smartphone 5G của Xiaomi cũng như cho thấy hiệu quả rõ rệt của chiến lược tích hợp kép “5G và AioT”.
Điểm nổi bật về tài chính Q1/2020
- Tổng doanh thu xấp xỉ 49,7 tỷ RMB, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh bại dự báo của giới phân tích.
- Lợi nhuận gộp đạt xấp xỉ 7,56 tỷ RMB, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước.
- Lợi nhuận ròng chưa điều chỉnh theo tiêu chuẩn IFRS là 2,3 tỷ RMB, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh bại dự báo của giới phân tích.
- Chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là 1,9 tỷ RMB, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Xiaomi, ông Lei Jun cho biết: “Mặc dù ngành công nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, tuy nhiên, tập đoàn Xiaomi vẫn vững vàng và duy trì mức tăng trưởng ấn tượng ở mọi phân khúc trước bối cảnh suy thoái chung của thị trường. Kết quả này phản ánh đầy đủ khả năng kinh doanh linh hoạt, phục hồi và cạnh tranh đến từ mô hình kinh doanh hiệu quả của công ty. Trong Q1/2020, chúng tôi đã phát hành thành công trái phiếu USD đầu tiên với số lượng đăng ký tăng vọt 7.5 lần.
Chúng tôi cũng vinh dự khi được Forbes xướng tên trong danh sách 2.000 tập đoàn có vốn hóa thị trường cao nhất toàn cầu. Chúng tôi cho rằng cuộc khủng hoảng vừa qua là phép thử cho mô hình kinh doanh đang theo đuổi cũng như minh chứng cho tiềm năng phát triển của tập đoàn. Khi đại dịch thoái lui, chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư và dồn lực vào chiến lược phát triển nền tảng công nghệ tích hợp “5G + AioT” nhằm lan tỏa thông điệp “Đổi mới công nghệ mang đến cuộc sống chất lượng hơn cho mọi người”.
Chiến lược thương hiệu kép cho kết quả ấn tượng: Chiếm vị trí hàng đầu trên thị trường smartphone 5G
Trong Q1/2020, doanh thu smartphone của Xiaomi đạt 30,3 tỷ RMB, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số điện thoại thông minh đạt 29,2 triệu chiếc, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Canalys xếp hạng Q1/2020, Xiaomi đứng thứ 4 toàn cầu về doanh số smartphone cùng thị phần tăng lên 11,1%, đưa Xiaomi trở thành một trong hai hãng di động duy trì tốc độ tăng trưởng doanh số trên toàn cầu.
Cùng kỳ, Xiaomi tiếp tục theo đuổi chiến lược thương hiệu kép và gặt hái được nhiều kết quả kinh doanh ấn tượng. Đơn đặt hàng Mi 10 và Mi 10 Pro vượt hơn 1 triệu sản phẩm chỉ trong hai tháng, sau khi ra mắt lần đầu vào tháng 2 năm 2020. Thương hiệu Redmi tiếp tục trình làng loạt sản phẩm cạnh tranh ở nhiều mức giá khác nhau. Đầu tiên là phiên bản flagship dòng K với hai siêu phẩm Redmi K30 Pro và Redmi K30 Pro Zoom Edition. Tiếp nối thành công của Redmi Note 8 – mẫu smartphone bán chạy thứ hai toàn cầu trong Q1/2020 (theo Canalys), Xiaomi tiếp tục giới thiệu Redmi Note 9S và Redmi Note 9 Pro cho thị trường quốc tế.
Nổi tiếng với mẫu điện thoại thông minh cao cấp, giá bán trung bình (“ASP”) smartphone của Xiaomi đã tăng 7,2% trong quý đầu năm nay. Trong khi đó, ASP của cả thị trường điện thoại thông minh tại Trung Quốc và nước ngoài tăng đến 18,7% và 13,7%.
Mảng IoT liên tục phát triển: Hậu thuẫn bởi nền tảng kinh doanh vững chắc
Trong Q1/2020, doanh thu mảng thiết bị IoT và phong cách sống của Xiaomi đạt 13,0 tỷ RMB. Nhờ hệ sinh thái sản phẩm IoT đa dạng và nền tảng kinh doanh vững chắc, Xiaomi đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch.
Là nền tảng IoT tiêu dùng hàng đầu thế giới, số lượng thiết bị kết nối (không bao gồm điện thoại thông minh và máy tính xách tay) với nền tảng IoT của Xiaomi đã vượt 252 triệu đơn vị tính đến ngày 31 tháng 3 năm 2020, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 4,6 triệu người dùng sở hữu trên 5 thiết bị IoT của Xiaomi (không bao gồm điện thoại thông minh và máy tính xách tay), tăng 67,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào tháng 3 năm 2020, trợ lý Xiaomi AI đã có 70,5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (“MAU”), tăng 54,9%; còn ứng dụng Mi Home có 40 triệu MAU, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù doanh số TV trên toàn cầu sụt giảm trong Q1/2020 do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, song doanh số Smart TV của Xiaomi vẫn tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,7 triệu chiếc, củng cố vị trí dẫn đầu ở cả thị trường Trung Quốc lẫn quốc tế của Xiaomi. Theo công ty nghiên cứu All View Cloud (“AVC”), doanh số TV của Xiaomi đã xếp vị trí số 1 tại Trung Quốc và giữ vững vị trí thứ 5 trên toàn cầu suốt 5 quý liên tiếp.
Vào tháng 2 năm 2020, Xiaomi đã giới thiệu AX3600, bộ định tuyến AIoT hỗ trợ WiFi 6, đưa Xiaomi trở thành thương hiệu đầu tiên ở Trung Quốc hỗ trợ công nghệ WiFi 6 từ thiết bị đầu cuối đến bộ định tuyến. Doanh số bộ định tuyến đã tăng 124% trong Q1/2020 và theo AVC, Xiaomi đứng thứ 2 về doanh số bộ định tuyến trực tuyến tại Trung Quốc. Ngoài ra, doanh số các thiết bị khác như tai nghe không dây Mi True, Mi Band, Mi Electric Scooter và Mi Robot Vacuum cũng tăng lần lượt 619,6%, 56,0%, 40,7% và 40,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Canalys và iResearch, Xiaomi còn dẫn đầu về doanh số xe tay ga điện trên toàn cầu năm 2019. Hãng cũng đứng số 1 về doanh số thiết bị đeo tay; đứng vị trí thứ 3 về doanh số True Wireless Stereo (“TWS”) trên toàn cầu năm 2019, theo Canalys.
Thị trường quốc tế tăng trưởng bất chấp khó khăn: 50% tổng doanh thu đến từ các thị trường nước ngoài
Doanh thu của Xiaomi ở các thị trường nước ngoài đã tăng 47,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 24,8 tỷ RMB trong Q1/2020, chiếm 50% tổng doanh thu. Đây là lần đầu tiên doanh thu ở nước ngoài đóng góp tới một nửa vào doanh thu tổng của Xiaomi.
Trong Q1/2020, Xiaomi chiếm gọn 31,2% thị phần smartphone tại Ấn Độ, đánh dấu 11 quý liên tiếp duy trì vị trí số 1, theo IDC. Xiaomi cũng tận dụng tốt tầm ảnh hưởng dẫn đầu của tập đoàn tại Ấn Độ để gia cố tốc độ tăng trưởng ở các thị trường lân cận. Theo Canalys, Xiaomi đã dẫn đầu thị trường di động ở Nepal trong Q1/2020 với 30,9% thị phần, bằng thị phần các hãng di động xếp thứ 2 và 3 gộp lại.
Xiaomi cũng tăng trưởng vượt trội tại các thị trường khác. Theo Canalys, Q1/2020, doanh số smartphone của hãng đã tăng 58,3% tại thị trường châu Âu, chiếm 14,3% thị phần và xếp thứ 4. Xiaomi cũng nằm trong top 4 công ty công nghệ hàng đầu tại Ý, Pháp và Đức. Tại Tây Âu, doanh số smartphone tăng 79,3%. Tại Tây Ban Nha, Xiaomi dẫn đầu với 28% thị phần. Tại châu Mỹ Latinh, Xiaomi đứng thứ 5 với doanh số smartphone tăng 236,1%. Còn ở Trung Đông và châu Phi, doanh số smartphone tăng lần lượt 55,2% và 284,9%.
Doanh thu dịch vụ Internet tăng trưởng ổn định
Doanh thu dịch vụ Internet của Xiaomi đạt 5,9 tỷ RMB trong Q1/2020, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động người dùng và thời gian dành cho các thiết bị đều gia tăng. Trong tháng 3 năm 2020, MAU của MIUI đã tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước, lên đến 330,7 triệu người dùng; trong khi MAU ở Trung Quốc đạt 111,5 triệu người dùng.
Bằng nhiều phương thức đa dạng (bao gồm tìm kiếm, cài đặt trước, cập nhật tin tức mới, mở rộng lĩnh vực quảng cáo, tối ưu hóa thuật toán đề xuất), doanh thu quảng cáo của Xiaomi đã đạt 2,7 tỷ RMB, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tận dụng đà phát triển vũ bão của thị trường trò chơi trực tuyến tại Trung Quốc, doanh thu trò chơi trực tuyến của Xiaomi đã tăng 80,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,5 tỷ RMB trong Q1/2020. Doanh thu dịch vụ Internet của Xiaomi (bao gồm doanh thu từ nền tảng thương mại điện tử Youpin, dịch vụ kinh doanh Fintech, dịch vụ Internet TV và dịch vụ Internet ở nước ngoài) cũng tăng 71,5%.
Nội dung video và các dịch vụ đăng ký khác trên TV Xiaomi đã trở thành lựa chọn giải trí được người dùng ưa chuộng trong đại dịch. Khi người dùng quen với các dịch vụ thuê bao trả phí, doanh thu thuê bao của Xiaomi tăng mạnh. Trong tháng 3 năm 2020, MAU của Xiaomi Smart TV và Mi Box đạt 30,4 triệu người, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 31 tháng 3 năm 2020, số lượng thuê bao trả tiền tăng 53,7% so với cùng kỳ năm trước, lên tới 4,3 triệu người.
Tác động của dịch covid-19
Xiaomi đã không ngừng nỗ lực trong cuộc chiến với covid-19. Là một trong những công ty Internet đầu tiên chung sức chống dịch tại tỉnh Hồ Bắc, Xiaomi đã quyên góp và cung cấp vật tư y tế thiết yếu cho hơn 30 bệnh viện địa phương. Bên cạnh việc chống dịch trong nước, Xiaomi còn hỗ trợ ứng cứu tình trạng khẩn cấp toàn cầu và quyên góp số lượng lớn các vật tư y tế, bao gồm mặt nạ, áo bảo hộ và máy thở cho hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Tại Trung Quốc, khi đại dịch bắt đầu thoái lui, doanh số Xiaomi đã vững vàng phục hồi trở lại. Tập đoàn cũng chủ động làm việc với các đối tác trong chuỗi cung ứng để giúp họ tăng cường năng lực sản xuất. Các hoạt động sản xuất trong nước dần ổn định và nhu cầu mua sắm smartphone tăng nhanh chóng trở lại. Kể từ tháng 4, doanh số smartphone ở Trung Quốc đã quay về mức trước đại dịch và doanh số Smart TV cũng phục hồi phần lớn.
Tại các thị trường nước ngoài, mạng lưới rộng khắp toàn cầu cho phép Xiaomi nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và dồn lực đối phó với đại dịch ở từng thị trường khác nhau. Khi các biện pháp phong tỏa dần gỡ bỏ, doanh số bắt đầu phục hồi. Kể từ tuần thứ ba của tháng 5, số lượng kích hoạt điện thoại thông minh hàng tuần tại thị trường châu Âu đã trở lại mức trên 90% so với mức trung bình hàng tuần vào tháng 1 năm 2020.