Học sinh Việt Nam in 3D thiết bị hỗ trợ đeo khẩu trang cho nhân viên y tế, học vận hành máy trợ thở
(viothings) – Vĩnh Long, ngày 27 tháng 04 năm 2020 – Gần 30 học sinh THCS đến từ khu vực ĐBSCL tham gia khóa học trực tuyến (Google Meet) sử dụng máy in 3D đã cùng tạo ra thiết bị hỗ trợ giảm đau khi phải đeo khẩu trang nhiều giờ liền cho các y bác sĩ và nhân viên y tế đang phục vụ trong các bệnh viện và khu cách ly vì dịch bệnh COVID-19.
Mục tiêu 500 phụ kiện hỗ trợ đeo khẩu trang cho nhân viên y tế đang được các em học sinh trường THCS Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long thực hiện từ việc tham khảo mẫu thiết kế nguồn mở và sử dụng máy in 3D. Buổi thực nghiệm sáng ngày 27/4 đã cho ra những sản phẩm thực tế liên quan phụ kiện khẩu trang và máy trợ thở.
Cụ thể, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội tháng 4, các em học sinh CLB Lập trình Quỹ Dariu đã tham gia khóa học trực tuyến (online) qua công cụ Google Meet về máy trợ thở có tên gọi Dvilator 19/20, dựa theo thiết kế mã nguồn mở của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Hoa Kỳ. Các học sinh trong chương trình Lập trình Tương lai cùng Google được giáo viên Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lập trình, chuyên gia của Quỹ Dariu (giảng viên trường Đại học Bách Khoa TP.HCM) hướng dẫn lắp ráp, lập trình với bo mạch micro:bit và vận hành thử nghiệm máy trợ thở Dvilator 19/20 do Quỹ Dariu cung cấp.
Dvilator 19/20 là tên gọi hai mẫu máy trợ thở do Quỹ Dariu đặt tên (nối kết từ ventilator) và đặt hàng sản xuất dựa trên thiết kế mở (open-source) của MIT chia sẻ đến cộng đồng
Song song đó, các em học sinh cũng được giảng viên giới thiệu và hướng dẫn sử dụng máy in 3D. Ý tưởng in 3D phụ kiện hỗ trợ đeo khẩu trang đến với nhóm học sinh trong Câu lạc bộ Lập trình do Quỹ Dariu hỗ trợ sau khi các em tham khảo thông tin từ một chương trình được thực hiện bởi các học sinh tại Canada. Các thiết kế được các em chọn lọc tham khảo trên cộng đồng nguồn mở trực tuyến về công nghệ in 3D, đồng thời giảng viên của Quỹ Dariu cũng hướng dẫn các em điều chỉnh và tối ưu cho thiết kế. Mỗi lần máy in 3D có thể in 4 phụ kiện hỗ trợ đeo khẩu trang trong thời gian 30-40 phút. Các em dự kiến sẽ in khoảng 500 thiết bị như vậy để tặng cho bệnh viện tuyến huyện.
Mẫu phụ kiện giúp nhân viên y tế đeo khẩu trang thoải mái hơn trong thời gian dài do các em học sinh in 3D
Được biết, các học sinh của CLB cũng đang nghiên cứu để in các thiết bị hỗ trợ mở cửa không chạm tay để đảm bảo phòng chống dịch tốt hơn ở những nơi công cộng, trong các khu cách ly.
“Hy vọng chúng em có thể in ra các phụ kiện hữu ích này để giúp các y bác sĩ thấy thoải mái hơn khi phải đeo khẩu trang nhiều giờ liên tục. Điều đặc biệt thích thú là sản phẩm của chúng em làm ra có thể được sử dụng và phát huy tác dụng rõ rệt. Chúng em nhận được nhiều động viên, khích lệ của các thầy cô, bạn bè và đặc biệt là gia đình”, em Đỗ Phương Duyên, học sinh lớp 9.1, trường THCS Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Nhóm học sinh THCS bao gồm gần 1.000 học sinh đang tham gia 40 Câu lạc bộ Lập trình do Quỹ Dariu hỗ trợ. Câu lạc bộ lập trình là sáng kiến của Quỹ Dariu nhằm tạo sân chơi bổ ích, sáng tạo cho những học sinh có tài năng, đam mê về công nghệ thông tin, lập trình, cung cấp các thiết bị cần thiết để các em thực hiện các dự án sáng tạo của mình. Hiện đã có khoảng 40 Câu lạc bộ Lập trình đã được thành lập và hỗ trợ bởi Quỹ Dariu.
Dariu kết hợp cùng Google thực hiện chương trình Lập trình Tương lai cùng Google nhằm đào tạo miễn phí kỹ năng lập trình và sử dụng Internet an toàn cho 130.000 học sinh Việt Nam, xây dựng nền móng cơ bản cho trẻ em vùng nông thôn và đem đến nhiều cơ hội phát triển cho các em trong thời đại kỹ thuật số. Thông qua các môn học lập trình và ứng dụng bo mạch Micro:bit, dự án “Lập trình Tương lai cùng Google” cổ vũ đưa lập trình trở thành môn học công nghệ chính khoá tại các trường học từ cấp tiểu học đến cấp phổ thông, hướng tới việc đào tạo đào tạo nguồn nhân lực số đáp ứng xu hướng phát triển của xã hội hiện đại Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
“Chúng tôi hy vọng sẽ giới thiệu đến các em những chủ đề gần gũi nhất với đời sống và hỗ trợ các em tìm hiểu, thực hiện thêm nhiều các dự án sáng tạo khác. Chúng tôi mong muốn các em thấy rằng những hoạt động và dự án do Quỹ Dariu phối hợp cùng đối tác như Google giới thiệu đến các em không chỉ là học kiến thức mới, mà còn làm cho các có thể trực tiếp đóng góp vào cải thiện cuộc sống cho cộng đồng.” Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Dariu chia sẻ.
Nhân dịp này, Quỹ Dariu tặng 20.000 thiết bị hỗ trợ đeo khẩu trang cho các BCĐ phòng chống dịch COVID-19 để hỗ trợ các lực lượng y tế tại Việt Nam.
(*) Hoạt động tìm hiểu, lắp ráp và lập trình mô hình Máy trợ thở Dvilator 19/20 là một phần trong các hoạt động của Câu lạc bộ Lập trình do Quỹ Dariu hỗ trợ triển khai.
Về Quỹ Dariu
Quỹ Dariu (The Dariu Foundation) là tổ chức phi chính phủ nước ngoài có quốc tịch Thuỵ Sĩ, được cấp phép và hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay, với các hoạt động trọng tâm là hỗ trợ sinh kế bền vững cho phụ nữ có thu nhập thấp và các dự án hỗ trợ phát triển giáo dục, như trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ học nghề đảm bảo việc làm cho thanh niên, tài trợ xây trường và hỗ trợ đào tạo kỹ năng số (tin học và lập trình) cho học sinh khu vực nông thôn. Đến nay đã có khoảng trên 500.000 người được hưởng lợi – trực tiếp và gián tiếp – từ các dự án của Quỹ Dariu.
Về Dự án Lập trình Tương lai cùng Google
Dự án“Lập trình Tương lai cùng Google” là một trong nhiều nỗ lực của Google nhằm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tương lai cho nền kinh tế số Việt Nam. Giai đoạn năm 2018, dự án đã hoàn thành mục tiêu ban đầu là ươm mầm ước mơ, đam mê khoa học máy tính cho trẻ em. 100% các em hoàn thành khoá học đều có thể tạo ra sản phẩm lập trình của mình bằng ngôn ngữ Scratch. Tháng 12-2019, Google Châu Á Thái Bình Dương (APAC) tiếp tục phối hợp cùng Quỹ Dariu mở rộng dự án giáo dục “Lập trình Tương lai cùng Google” cho năm học 2019 – 2020. Đối tượng học sinh bao gồm học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học viên khối nghề nghiệp với số lượng lên đến 150.000 học sinh, sinh viên (khoảng 300 trường học). Thêm 350 giáo viên sẽ được đào tạo với những kiến thức giảng dạy bổ sung đa dạng hơn, và dự kiến triển khai tại 15 tỉnh thành Bắc – Trung – Nam.
Về nội dung đào tạo, giai đoạn 2 bổ sung kiến thức đa dạng hơn theo các cấp học, bao gồm: lập trình ngôn ngữ Scratch và Robotics, ứng dụng bo mạch Micro:bit, kiến thức và sử dụng Internet an toàn.