Apple lên kế hoạch ra mắt MacBook cao cấp với thân vỏ bằng Titan
Theo nội dung bằng sáng chế mới được cấp cho Apple cho thấy, hãng đang có kế hoạch ra mắt các mẫu iPhone, iPad và MacBook với cấu trúc thân vỏ bằng Titan trong tương lai.
Trong một hồ sơ có tiêu đề “Titanium parts having a blasted surface texture” (Tạm dịch: Các bộ phận có kết cấu bề mặt được phủ Titan), được cấp bởi Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ, nội dung này được phát hiện bởi Patently Apple, trong đó Apple giải thích cách các thiết bị khác nhau có thể sử dụng vỏ titan với kết cấu đặc biệt.
Bằng sáng chế giải thích rằng nhôm anodized, được sử dụng trên MacBook và iPad hiện tại, không cứng hoặc bền như titan. Tuy nhiên, độ cứng của titan khiến nó trở nên “rất khó chế tạo”. Bằng sáng chế này đưa ra giải pháp cho vấn đề trên bằng cách phác thảo quy trình chế tạo, mài và các công đoạn sử dụng chất hóa học nhằm tạo cho khung vỏ titan một vẻ ngoài hấp dẫn hơn.
Apple mô tả bề mặt có kết cấu bao gồm “các đỉnh được ngăn cách bởi các rãnh” với các phép đo micromet và đơn vị độ bóng cụ thể. Quá trình này bao gồm các kỹ thuật khác nhau để “phần titan được mạ và khắc có độ nhám thấp nhất”, cho phép khung vỏ giữ được “bề mặt có độ bóng cao.”
“Lớp hoàn thiện bề mặt đặc biệt” được mô tả là bề mặt “phản chiếu và khuếch tán ánh sáng một cách đặc biệt”, và đây được cho do cấu trúc bề mặt được Apple tạo nên, và sẽ không giống bất kỳ bộ phận khung titan nào khác.
Nội dung bằng sáng chế cũng lưu ý rằng, lớp vỏ titan này sẽ thích hợp cho MacBook, iPad, iPhone và Đồng hồ Apple. Apple đã từng sử dụng vỏ titan cho một số lượng nhỏ sản phẩm, chẳng hạn như PowerBook G4 ra mắt từ năm 2001 đến 2003. Sản phẩm đầu tiên của Apple có vỏ titan đã hoàn toàn thất bại bởi các vấn đề liên quan tới độ giòn của thân vỏ, cũng như lớp sơn dễ bong tróc .
Ngày nay, sản phẩm duy nhất của Apple sử dụng vỏ titan là Apple Watch Edition, phiên bản này có vẻ ngoài gần giống với lớp hoàn thiện độc đáo được mô tả trong bằng sáng chế hơn là PowerBook G4.
Các thiết bị có vỏ bọc bằng titan sẽ bền hơn đáng kể, nhưng cũng có khả năng nhẹ hơn nếu trọng lượng của kim loại có thể được bù đắp bằng cách sản xuất các bộ phận mỏng hơn và mạnh hơn.
Tháng trước, Apple đã được cấp bằng sáng chế cho lớp vỏ hoàn thiện của MacBook Pro màu đen mờ , khi công ty tiếp tục nghiên cứu các cách để vượt ra khỏi vỏ nhôm anodized tiêu chuẩn.
Đơn xin cấp bằng sáng chế không thể được coi là bằng chứng về những gì Apple đang có ý định đưa ra thị trường và nhiều khái niệm được cấp bằng sáng chế không bao giờ đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng cung cấp một cái nhìn sâu sắc thú vị về những gì Apple đang nghiên cứu và phát triển đằng sau hậu trường, đồng thời gợi ý về những gì chúng ta có thể thấy trong tương lai.